Với các Marketers, ai cũng đều biết rằng hiện nay có rất nhiều công cụ marketing, truyền thông trực tuyến như Facebook, Google, SEO… và Email Marketing cũng nằm trong số đó. Nhưng chắc chắn rằng không có quá nhiều người hiểu được giá trị thực sự của Email Marketing và vận dụng nó thành công. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vai trò và tầm quan trọng của Email Database và tư duy phát triển danh sách Email như thế nào được gọi là đúng và dài hạn.
1. Tầm quan trọng của một danh sách Email tốt
a, Email List là gì?
Email List hay còn gọi là danh sách Email – đây là danh sách chứa các thông tin liên hệ của từng khách hàng được định danh bằng những địa chỉ Email cá nhân và các trường thông tin khác nếu có.
Danh sách Email cơ bản nhất sẽ chỉ bao gồm địa chỉ Email cá nhân của khách hàng, vì vậy những danh sách này sẽ rất hạn chế, khi đó bạn khó có thể phân chia danh sách đó theo các tiêu chí khác nhau. Một danh sách Email đầy đủ, bạn nên có ít nhất các trường sau: địa chỉ, họ và tên, giới tính. Các trường có thể bổ sung như nghề nghiệp, số điện thoại, chức vụ, công ty.
Bất kì Marketer nào cũng gặp khó khăn trong việc thu thập các thông tin cá nhân của khách hàng, bởi thế mà kinh nghiệm và kiến thức xuyên suốt cuốn sách này sẽ giúp các bạn đang làm marketing giải quyết được vấn đề đó một cách đơn giản và dễ dàng.
b, Thế nào là một danh sách Email tốt?
Bạn đã nắm được khái niệm một danh sách Email là như thế nào và bạn nhận ra rằng, mình đang có rất nhiều danh sách Email. Nhưng, có khi nào bạn tự đặt cho mình một câu hỏi “Liệu danh sách Email này có tốt hay không? Các dữ liệu này có còn tốt và sử dụng được nữa hay không?”
Để xác định một danh sách Email có tốt, có chất lượng hay không phụ thuộc vào rất nhiều tiêu chí, và bạn cần trả lời những câu hỏi sau để giải đáp được điều mình mong muốn:
Danh sách của bạn có nguồn gốc từ đâu?
Có rất nhiều bạn thắc mắc rằng các danh sách đang được rao bán trên mạng có sử dụng được hay không? Thực sự là rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy và câu trả lời ở đây sẽ luôn là “Có, nếu bạn muốn gây ấn tượng khó chịu cho khách hàng tiềm năng của mình”.
Tại sao lại như vậy, đơn giản là chẳng ai thích nhận những bức thư mà họ không biết bạn là ai? Không hiểu cái sản phẩm dịch vụ của bạn là gì? Và dường như bạn đang làm phiền họ vậy, chắc chắn rằng họ sẽ không để ý tới Email của bạn khi một ngày họ phải nhận hàng trăm các Email khác nữa. Như vậy là bạn đã mất một khách hàng tiềm năng đáng ra bạn có thể làm tốt hơn rồi.
Tuy vậy, đó chỉ là một trong những lý do thứ yếu mà thôi, lý do quan trọng nhất ở đây liên quan tới SPAM – vấn đề muôn thuở trong Email Marketing. Lý do này sẽ được giải thích rõ hơn trong các phần sau của cuốn sách.
Danh sách này có được sử dụng trong 3 tháng gần đây hay không?
Câu hỏi này có ý nghĩa gì? Nếu trong khoảng thời gian 3 tháng bạn không gửi một bất kì chiến dịch Email nào, khách hàng hoàn toàn có thể đã quên bạn là ai? Và một điều chắc chắn là khách hàng của bạn đã rơi vào tay đối thủ cạnh tranh của bạn rồi, nên bạn hầu như không còn cơ hội để có thể tiếp cận họ chứ chưa nói tới vấn đề chốt sale và bán hàng.
Bạn có biết khách hàng trong danh sách đó là ai hay không?
Bạn không nhất thiết phải biết rõ từng người trong danh sách Email bạn có, nhưng ít nhất bạn cũng phải hiểu danh sách Email này có những điểm đặc trưng gì, ví dụ:
- Danh sách Email này là những khách hàng đã mua iPhone X trong tháng 08.
- Danh sách khách hàng này đã đăng ký dùng thử sản phẩm trong tháng khuyến mại vào tháng 06/2018.
Tại sao bạn cần phải biết như vậy? Đó là bởi vì, chỉ khi bạn hiểu rõ khách hàng của bạn là ai? Họ có những điểm đặc trưng nào? Bạn mới có những chiến lược và chiến thuật tiếp theo để chăm sóc hay tăng sale được.
Ví dụ với “Danh sách khách hàng dùng thử sản phẩm”, bước tiếp theo sẽ làm gì để tăng sale?
- Gửi Email chăm sóc khách hàng bằng cách hỏi thăm họ sử dụng sản phẩm như thế nào?
- Gửi Email với một lời chào hàng hấp dẫn
Hiểu rõ về khách hàng của mình là vấn đề cốt lõi của marketing.
c, Giá trị của Email Database đối với doanh nghiệp
Theo một cuộc khảo sát cho thấy đa phần các doanh nghiệp đều ít coi trọng vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng và lưu trữ thông tin khách hàng. Đến khi tìm bên dịch vụ thứ ba họ thường hỏi như sau: “Bên anh không có data Email thì làm thế nào em?” hay “Bên em có cung cấp data không, chị muốn sử dụng Email Marketing nhưng database rất ít.”
Thật kỳ lạ làm sao, đều là những người chủ doanh nghiệp, những người đã kinh doanh một thời gian khá dài mà không có lấy nổi một danh sách khách hàng cơ bản nhất. E rằng với cách làm như vậy, doanh nghiệp của chúng ta không khác gì ném tiền qua cửa sổ.
Bạn biết vì sao không? Vì các Marketer đã không ngại bỏ công sức ngày đêm, đau đầu nát óc nghĩ ra các ý tưởng sáng tạo và chuẩn bị vung tiền ra để truyền thông với mục tiêu bán hàng tăng doanh thu. Nhưng đổi lại, họ chỉ nhận được một tệp database trắng tinh. Thực sự lãng phí quá sức tưởng tượng.
Hãy cảm thấy may mắn vì bạn đang có tệp Email database thực sự chất lượng, cũng giống như tệp Audience của Facebook, hay Cookies của Google, bạn là người sở hữu nó mãi mãi. Bạn không cần phải lo lắng khi tài khoản quảng cáo bị khóa, rồi bị mất tệp data khách hàng như Facebook hay Google, bạn đã có tệp Email và bạn có thể sử dụng bất kỳ công cụ nào để có thể gửi Email chăm sóc khách hàng. Đó là một GIÁ TRỊ BỀN VỮNG.
d, Email List & chiến dịch Email
Một danh sách Email chất lượng sẽ đem lại những chiến dịch Email Marketing thành công bởi vì:
- Bạn biết mình đang gửi cho ai
- Bạn biết khách hàng của mình thích nội dung như thế nào
- Bạn biết khách hàng của mình có thói quen đọc Email như thế nào
- Bạn biết thời điểm nào gửi Email sẽ đem lại tỷ lệ mở tốt nhất
Bạn thành công là bởi vì bạn nắm rõ khách hàng trong lòng bàn tay.
2. Mua bán trao đổi dữ liệu khách hàng – nên hay đừng?
Làm sao giải thích với các bạn việc sử dụng các danh sách Email qua trao đổi, mua bán là sai hướng để giúp các bạn hiểu rằng chúng ta không nên tốn công sức và thời gian vào những thứ vô nghĩa?
Ở phần trước các bạn đã biết được giá trị của danh sách Email cũng như xác định thế nào là một danh sách Email tốt, đến phần này bạn sẽ có một cái nhìn khác, trực quan và logic hơn trước khi bắt tay xây dựng danh sách Email Marketing bài bản.
Trước khi mua bán, và trao đổi Email, bạn có bao giờ tự ngẫm rằng “Có nên tin tưởng người bán data cho mình không?”. Chắc chắn bạn sẽ không tin 100% đâu, một tâm lý lo sợ sẽ xuất hiện và trong đầu bạn sẽ nảy ra một loạt các câu hỏi như là:
- Data bạn mua có phải chỉ một mình bạn có hay không?
- Danh sách mấy nghìn CEO sao mà rẻ thế này, có phải lừa đảo hay không?
- Data này họ lấy từ đâu, làm thế nào mình xác minh được tính chính xác của nó?
Một loạt câu hỏi hiện ra trong đầu khiến bạn đắn đo, suy nghĩ trước khi quyết định mua hay không? Nhưng rồi… bạn quyết định vẫn MUA. Bạn lo sợ sẽ bỏ phí một cơ hội nào đó khiến bạn không thể yên tâm kê cao gối mà ngủ cho được. Như vậy là bạn đã mắc phải cái “bẫy đầu tiên” – Database trong việc xây dựng giá trị tài sản cho bạn và doanh nghiệp rồi.
Đã đâm lao nên phải theo lao. Bạn bắt đầu tìm hiểu các đơn vị cung cấp dịch vụ Email, tìm cách gửi Email càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt vì bạn muốn kiểm chứng danh sách của mình, muốn bán hàng và thu hồi lại số tiền đã bỏ ra để mua data. Đến bước này, bạn đã rơi vào cái “bẫy thứ hai” – đó là SPAM Email.
Khi đã rơi vào hai cái bẫy như trên và hiệu quả không được như mong đợi, bạn sẽ không có cách nào thoát khỏi được những tư duy tiêu cực, suy nghĩ của bạn lúc ấy sẽ kiểu như:
- Hóa ra Email Marketing là vậy, kém hiệu quả, gửi nhiều thế rồi mà chẳng có ai gọi điện hỏi về sản phẩm
- Email Marketing là SPAM chứ chẳng có quái gì ghê gớm
Những giá trị bạn nhận được hoàn toàn xứng đáng với giá trị mà bạn đã bỏ ra. Email nếu đơn thuần chỉ là mua data và gửi đi, sau đó chờ sale về dồn dập, thì có khi cả thế giới này đều giàu sụ rồi phải không nào? Do vậy, đừng nên nghĩ tới việc mua bán trao đổi danh sách Email, vì giá trị bạn nhận được sẽ là con số ÂM chứ không phải số 0 nữa, bởi trước đó bạn phải bỏ tiền, bỏ công sức, bỏ thời gian cho những việc không mang lại giá trị gì.
Nhưng đó chỉ là bề nổi hiện hữu về tính hiệu quả bạn có thể thấy được, còn nhiều yếu tố nguy hại hơn và thậm chí chúng còn trực tiếp ảnh hưởng tới chính thương hiệu của bạn.
Tên miền của bạn bị ném vào Blacklist
Tại sao tên miền của bạn lại vào danh sách đen của các nhà cung cấp dịch vụ Email như Gmail, Hotmail? Khi bạn gửi spam Email hàng loạt như vậy, các ESPs sẽ theo dõi và lưu lại lịch sử hoạt động gửi Email của bạn bao gồm:
- Tên người gửi.
- Địa chỉ Email sử dụng để gửi.
- Nội dung trong Email: từ khóa liên quan tới thương hiệu, link liên kết trong Email.
- Tên miền trong Email bạn sử dụng.
Tất cả những thông tin này sẽ được đưa vào bộ lọc Spam của từng nhà cung cấp, sau đó đánh giá và phân loại chất lượng cũng như mức độ uy tín của người gửi Email – thuật ngữ sẽ gọi là Reputation hay Sender Score. Chỉ số càng thấp thì độ tin tưởng của bạn càng thấp và Email bạn gửi sẽ rơi vào mục Spam hoặc bị chặn. Vậy chỉ số Reputation dựa trên những yếu tố nào?
- Số lượng và tỷ lệ Email hỏng trên tổng số Email đã được gửi đi.
- Số lượng và tỷ lệ người nhận ngừng nhận tin.
- Số lượng và tỷ lệ người nhận đánh dấu bạn đang spam họ.
Những Email bạn gửi thông thường dễ bị rơi vào mục spam của người nhận
Như đã phân tích ở trên, việc bạn rơi vào Blacklist sẽ khiến Email của bạn dễ bị rơi vào mục spam, nhưng không đơn giản chỉ là khi bạn gửi chiến dịch Email, mà kể cả khi bạn gửi Email giao dịch bình thường với khách hàng cũng vậy. Đó là hậu quả nghiêm trọng nhất mà bạn cần rất nhiều thời gian để khắc phục, thời gian khắc phục từ một đến hai tháng.
Vậy bạn có muốn bất kỳ Email nào gửi cho khách hàng đều rơi vào mục spam hay không?
3. Tư duy trong việc phát triển danh sách Email
Các bạn đều hiểu rằng, nếu chúng ta tư duy đúng thì hành động của chúng ta sẽ đúng và chắc chắn sẽ thành công. Việc phát triển danh sách Email cũng vậy, cốt lõi vẫn là tư duy và quan điểm của bạn. Bạn phải hiểu rằng bạn đang xây dựng tài sản và giá trị bền vững cho chính bạn và doanh nghiệp mình, và nó đáng để bạn phải tốn công tốn sức để làm. Khi đã xác định được điều đó, mọi hành động của bạn sẽ xoay quanh nó và bạn sẽ dần nhận thấy rằng, việc này không quá khó và mình đang đem lại những giá trị thực sự dành cho khách hàng của mình.
“Giá trị dành cho khách hàng” được nhắc đến ở trên là gì? Đó chính là sự hữu ích, sự thấu hiểu, sự cảm thông của bạn với chính khách hàng của mình thông qua các bài viết sâu sắc về các vấn đề họ quan tâm, các chính sách ưu đãi hấp dẫn, các lợi ích có giá trị về kinh tế mà khách hàng sẽ nhận được khi họ tự nguyện đến với bạn. Khi bạn duy trì được những điều này, khách hàng sẽ luôn đón nhận, luôn mong chờ những Email, những thông tin bạn đang đem lại. Và đến một lúc nào đó, khách hàng sẽ thèm khát những giá trị bạn đem tới cho họ. Điều này quả thực rất tuyệt vời. Bạn sẽ hoàn toàn làm được khi bạn TƯ DUY đúng trong việc phát triển danh sách khách hàng tiềm năng.
Vậy thực sự để tư duy một cách chính xác, bạn sẽ cần xác định những điều gì?
- Email là tài sản bền vững: bạn phải tư duy được rằng bạn đang xây dựng tài sản và tạo nên giá trị bền vững cho chính bạn.
- Cho đi trước: hãy cho đi trước những giá trị bản thân bạn hay bản thân doanh nghiệp bạn đang có để xây dựng lòng tin của khách hàng.
- Đừng thúc ép khách hàng: tất cả hãy để khách hàng tự nguyện, hãy tìm mọi cách để khách hàng tự nguyện đưa cho bạn thông tin cá nhân của họ. Đừng ép buộc vì khách hàng sẽ rời xa bạn nếu họ cảm thấy không thoải mái.
Tại sao phải nhấn mạnh đến tư duy khi phát triển hay xây dựng database trước, vì ở đây chúng ta cần làm rõ tư tưởng và tư duy của chính mình. Nếu bạn không xác định được điều này bạn sẽ lầm đường lạc lối khi dùng Email Marketing ngay từ vạch xuất phát và cuốn sách này sẽ không còn giá trị với bạn nữa. Ngược lại, khi bạn xác định được tư tưởng của mình rồi, một trong những phần hay nhất và quan trọng nhất của cuốn sách sẽ được hé mở, đó là “Các phương pháp xây dựng danh sách Email khách hàng”.
4. Thực hiện các bước đầu tiên với Mailchimp
Bạn truy cập http://mailchimp.com và SIGN UP FREE một tài khoản có thể sử dụng mãi mãi. Nhưng nó sẽ hạn chế số lượng Subscribers (số lượng địa chỉ Email bạn có thể upload khi sử dụng). Sau khi tạo tài khoản, bạn sẽ cần thực hiện ba bước dưới đây:
Bước 1: Tạo danh sách Email
1. Bạn chọn List và khởi tạo một danh sách mới bằng cách click vào nút Create List
Bạn tiếp tục chọn Create Lists khi hiển thị Pop-up.
2. Tiếp theo bạn điền thông tin giúp bạn xác định danh sách Email bạn đang tạo. Ở danh sách này có một số thuật ngữ bạn cần hiểu rõ:
- List name: tên danh sách bạn muốn đặt, ví dụ “Khách hàng đăng ký trên website”.
- Default From Email address: đây là địa chỉ Email mặc định được sử dụng để gửi Email tới người nhận. Người nhận khi nhận được mail sẽ hiểu họ đang nhận mail từ Email này. Địa chỉ Email gửi đi nên sử dụng định dạng *******@domainname, domainname ở đây chính là tên miền website của bạn đang sử dụng để marketing và truyền thông. Không nên sử dụng dạng Gmail hay Hotmail, vì các bộ lọc và các nhà cung cấp dễ đánh giá bạn đang thực hiện hành vi SPAM Email.
- Default From Name: đây là tên người gửi. Ví dụ, địa chỉ Email gửi là [email protected]. Tên người gửi bạn có thể đặt là MediaZ Book, cách đặt tên tùy thuộc vào bạn nhưng bạn nên chắc chắn rằng cái tên đó sẽ là thương hiệu bạn đang muốn xây dựng và phát triển.
Ở phần Settings bên dưới, bạn bắt buộc phải chọn Enable Double Opt-in. Tức là sau khi khách hàng điền vào Form thông tin bạn yêu cầu, sẽ có một Email tự động gửi tới khách hàng với nội dung xác minh rằng họ đồng ý nhận bản tin từ bạn. Điều này đem lại giá trị gì cho bạn:
- Bạn xác minh được rằng: Ồ, đây đúng là khách hàng thực sự có nhu cầu và họ mong muốn nhận Email từ phía bạn.
- Bạn cũng xác minh được rằng: Khách hàng cung cấp đúng thông tin địa chỉ Email vì nếu họ điền sai thông tin, chắc chắn rằng họ sẽ không nhận được Email yêu cầu xác nhận.
Các phần khác bạn có thể tùy chọn, nhưng bạn nên sử dụng ba lựa chọn cuối cùng của mục Notifications để cập nhật thông tin về danh sách của mình. Tiếp đó bạn click SAVE và như vậy bạn đã tạo thành công danh sách Email “Khách hàng đăng ký nhận tin trên Website”.
Bước 2: Tạo Form đăng ký nhận bản tin
Đây là bước quan trọng, vì bạn sẽ sử dụng chính Form này để tích hợp tài khoản Mailchimp với website của mình.
Để tạo Form, bạn chọn Signup forms
MailChimp sẽ đưa cho bạn nhiều lựa chọn để có thể tạo Form mà mình mong muốn. Nếu bạn đang sử dụng website với các mã nguồn mở như WordPress có kho giao diện sẵn, bạn có thể chọn Form Builder sau đó cài Plugin của Mailchimp để tích hợp dễ dàng hơn. Còn với các website thương mại điện tử hay Landing Page, bạn nên sử dụng Embedded Forms, lựa chọn này cho phép bạn tạo Form dựa trên các đoạn mã HTML. Chi tiết cách tích hợp với website như thế nào, các bạn có thể tham khảo trên các hướng dẫn của Mailchimp hoặc WordPress.
Cuốn sách này sẽ áp dụng Form Builder. Sau khi chọn, bạn sẽ được chuyển đến trang mới để setup form. Và dưới đây là các checklists bắt buộc bạn cần phải setup trước khi sử dụng Form:
- Signup Forms: các trường bạn muốn có trong Form này là gì? Thông thường với các Form đăng ký trên website bạn nên đơn giản chỉ cần hai trường FULLNAME và Email ADDRESS. Vì nếu có quá nhiều trường thông tin, khách hàng sẽ có một lựa chọn khác đó là KHÔNG đăng ký nhận tin nữa.
- Signup Thank you Page: lời cảm ơn của bạn và hướng dẫn khách hàng các bước tiếp theo để confirm việc đăng ký nhận tin.
- Opt-in confirmation Email: đây là Email chứa link liên kết yêu cầu khách hàng xác nhận rằng, họ đồng ý nhận Email từ bạn. Đây là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng, đánh dấu mối quan hệ lâu dài giữa bạn với khách hàng.
- Confirmation Thank you Page: lời cảm ơn khi họ xác nhận rằng họ đồng ý nhận Email của bạn. Một tin vui đúng không? Hãy cảm ơn họ bằng những từ ngữ nồng nhiệt và chân thành nhất.
- Final Welcome Email: đây là Email tự động được gửi tới khách hàng sau khi họ đăng ký nhận tin. Sẽ có một góc nhỏ trong cuốn sách này giúp bạn xây dựng Final Welcome Email hoàn chỉnh và đem lại giá trị tuyệt vời cho khách hàng.
Trên đây là 05 check list được cho là quan trọng nhất đối với mỗi một Form, các tính năng khác bạn có thể thêm để tăng giá trị cho khách hàng. Và lời khuyên ở đây là hãy tận dụng tất cả các tính năng đó.
Như vậy bạn đã tạo xong Form đầu tiên và có những hành động tự động tiếp theo để chăm sóc khách hàng khi họ đăng ký nhận Email. Với mỗi một phương pháp được chia sẻ, bạn đều cần phải làm lại bước tạo danh sách và Forms, như vậy bạn mới có thể quản lý database dễ dàng và đánh giá được hiệu quả trong cách làm của mình.
Chúc bạn thành công!